Đôi nét về Thành phố Hải Dương

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012
Thành phố Hải Dương

- Diện tích: 71 km2

- Dân số: 213.639

- Ðơn vị hành chính: TP Hải Dương hiện có :

15 phường:

Bình Hàn; Cẩm Thượng; Hải Tân; Lê Thanh Nghị; Nhị Châu; Ngọc Châu; Nguyễn Trãi; Phạm Ngũ Lão; Quang Trung; Tân Bình; Thanh Bình; Trần Hưng Đạo; Trần Phú; Tứ Minh; Việt Hòa.

Và 6 xã

Ái Quốc, An Châu, Nam Đồng, Tân Hưng, Thạch Khôi, Thượng Đạt

- Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; nông nghiệp - thuỷ sản

+ Năm 1997: 47% - 45% - 8%

+ Năm 2002: 44,2% - 50,9% - 4,9%

+ Năm 2005: 50,5% - 46% - 3,5%

Giới thiệu chung: Thành phố Hải Dương là thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại loại 2 thuộc tỉnh Hải Dương, là Trung tâm công nghiệp - dịch vụ thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.


Click here to view full size

Một góc thành phố Hải Dương


Vị trí địa lý: Thành phố Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm tỉnh, phía bắc giáp huyện Nam Sách, phía đông giáp các huyện Kim Thành và Thanh Hà, phía tây giáp huyện Cẩm Giàng, phía nam giáp huyện Gia Lộc, phía đông nam giáp hai huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ. Thành phố Hải Dương nằm cách Thủ đô Hà Nội 57 km về phía tây, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía đông.

Lịch sử: Thành phố Hải Dương được khởi lập từ năm 1804 dưới tên gọi Thành Đông.

Trước năm 1804, Lỵ sở Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn hay doanh Vạn. Sau đó rời về Mao Điền (Cẩm Giàng).

Năm 1804 (năm Gia Long thứ ba), để củng cố bộ máy cai trị, nhà Nguyễn đã phân chia lại địa giới hành chính của cả nước, do vậy Lỵ sở Hải Dương đã được rời từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, thuộc địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao. Tỉnh lỵ mới cách Kinh đô Huế 1.097 dặm. Tổng đốc Trần Công Hiến là người khởi công xây dựng thành, gọi là Thành Đông, với mục tiêu vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông Kinh thành Thăng Long. Trong thành không có dân, chỉ có quan lại và quân lính.

Năm 1866 (năm Tự Đức thứ 19), Đông Kiều phố được hình thành (Phường Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo ngày nay), nhiều phố nghề ra đời như Hàng Giày (Sơn Hòa ngày nay), Hàng Đồng (Đồng Xuân), Hàng Bạc (Xuân Đài), Hàng Lọng (Tuy An).

Năm 1889, Thành Đông bị thực dân Pháp phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng Nhà máy Rượu và vài tòa dinh thự của người Pháp.

Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Hải Dương. Không gian thành phố được chia thành hai khu vực: khu hành chính - nằm ven sông Sặt và khu kinh tế - từ Nhà máy Rượu đến Nhà ga xe lửa. Các công sở và dinh thự của quan chức người Pháp được tập trung ven sông Sặt. Một số tòa dinh thự mang kiến trúc Pháp hiện nay vẫn còn được sử dụng như dinh Công sứ (nhà làm việc và nhà khách Tỉnh ủy); Sở Lục bộ (Sở Giao thông); nhà Séc-tây (Sở Thể dục- Thể thao cũ), Kho bạc (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), dinh Phó sứ (Sở Văn hóa - Thể thao & du lịch)... Với vị trí thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế, văn hóa; thành phố Hải Dương đã trở thành một trong 4 thành phố quan trọng nhất của Bắc Kỳ (cùng TP Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định).

Tháng 3 năm 1947, nhà cầm quyền Pháp chia thành phố Hải Dương thành 2 quận, rồi sau đó một thời gian lại chuyển thành thị xã.

Ngày 30-10-1954, thị xã Hải Dương được giải phóng hoàn toàn. Sau khi giải phóng, thị xã được chia làm 3 khu phố: Bắc Sơn, Bạch Đằng và Chi Lăng; mỗi khu phố có một số đường phố và xóm nhỏ.
Năm 1959, thị xã được tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị với quy mô dân số từ 40.000 đến 50.000 người.

Từ 1968 tới năm 1996 là tỉnh lị tỉnh Hải Hưng.

Năm 1969, thị xã Hải Dương được mở rộng, sáp nhập thêm các xã Ngọc Châu (Nam Sách), Thanh Bình, Tứ Minh, Việt Hòa (Cẩm Giàng), Hải Tân (Gia Lộc).

Năm 1981, các phường Trần Phú, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão được thành lập.

Từ ngày 6 tháng 11 năm 1996, trở lại là tỉnh lị tỉnh Hải Dương.

Năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định 64/CP thành lập các phường Thanh Bình, Cẩm Thượng, Hải Tân, Ngọc Châu, Bình Hàn và tách một số khu dân cư của phường Trần Phú để thành lập phường Lê Thanh Nghị.

Ngày 6 tháng 8 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 88/CP thành lập thành phố Hải Dương và là đô thị loại III với 11 phường, 2 xã.

Ngày 1 tháng 7 năm 2008, thành phố sáp nhập thêm các xã Nam Đồng, An Châu, Ái Quốc, Thượng Đạt (Nam Sách), 38 ha của thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), các xã Tân Hưng, Thạch Khôi (Gia Lộc) và một phần thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ). Như vậy, sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính thành phố có 19 phường, xã (13 phường, 6 xã).

Ngày 17 tháng 5 năm 2009, thành phố có quyết định trở thành đô thị loại 2.

Ngày 23 tháng 9 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường và thành lập các phường Nhị Châu và Tân Bình thuộc TP Hải Dương

Sự kiện: Trong tháng 10 năm 2009 (Ngày 30/10), thành phố Hải Dương đón nhận các sự kiện lớn như: Kỷ niệm 205 năm thành lập Thành Đông, 55 giải phóng thành phố Hải Dương, Lễ công bố quyết định thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại II; và từ 30 tháng 10 đến 08 tháng 11-2009, thành phố Hải Dương đồng đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (Asian Indoor Games III) tại Việt Nam.


Kinh tế: Thành phố Hải Dương là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh.
Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 14,5%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Xây dựng 53,07%, Dịch vụ 45,68%, Nông nghiệp - Thuỷ sản 1,25%. Trên địa bàn thành phố, Chính phủ đã phê duyệt các khu công nghiệp, thu hút 1.247 doanh nghiệp hoạt động.

Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng ước đạt hơn 1.346 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2007. Cũng năm này, thành phố có 1.700 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó có hơn 900 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người một năm đạt 1.344 Usd/người
Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương đạt hơn 676 tỷ đồng, bằng 50,8% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kinh tế tập thể đạt hơn 11 tỷ đồng, bằng 50,3% kế hoạch năm; doanh nghiệp tư nhân gần 124 tỷ đồng, bằng 49,7%; công ty trách nhiệm hữu hạn hơn 238 tỷ đồng, bằng 50,8%; công ty cổ phần hơn 206 tỷ đồng, bằng 50,9%; hộ cá thể, gần 98 tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm. Thành phố hiện có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó có gần 1.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Thành phố Hải Dương là một trong những trung tâm về công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Du lịch

Địa điểm tham quan, giải trí

- Công viên Bạch Đằng

- Quảng trường Độc Lập (Ngã 5 Bách hóa Tổng Hợp)

- Quảng trường 30 tháng 10 (ĐTM Tây Hải Dương)

- Khu sinh thái Hà Hải.

- Nước khoáng nóng Thạch Khôi.

- Các tuyến phố thương mại

Di tích lịch sử

Thành Hải Dương: Thành được xây từ năm 1804, đặt tại tổng Hàn Giang (nay là thành phố Hải Dương), nhằm bảo vệ Lị sở Hải Dương sau khi được chuyển từ Mao Điền về.

Thành có hình 6 cạnh, chu vi 551 trượng 6 thước, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, mở 4 cửa. Ban đầu thành được đắp bằng đất, đến năm 1824 (năm Minh Mạng thứ 5), thành được xây thêm bằng đá ong (kiểu xây này cũng được thấy ở thành Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An), có sống khế. Năm Tự Đức thứ 19 (1865), đắp thêm thành Dương Mã ở các cửa, hình chóp nón úp vào hào trước cửa thành, cao 5 thước 4 tấc, hào rộng 3 trượng 3 thước, sâu 6 thước.

Thành đã bị phá hủy trong chiến sự 1946-54, ngày nay vẫn còn sót lại một số ít đoạn tường thành và dinh Tổng Đốc ở trụ sở của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương.
 
Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn